08 Th1 TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN CHÓ PHÚ QUỐC GIAI ĐOẠN 2009 – 2015
- Thông tin chung
Kể từ năm 2007, có nhiều sự kiện quan trọng đã diễn ra đối với phong trào nuôi chó Phú Quốc tại Việt Nam:
- Năm 2008: Tổ chức hội thảo đầu tiên về chó Phú Quốc, mở đại hội thành lập Hiệp hội Những người nuôi chó giống Việt Nam (VKA)
- Năm 2009: nộp đơn xin gia nhập FCI, thông qua bản tiêu chuẩn chó Phú Quốc (2009) và bắt đầu tổ chức các cuộc thi chó giống.
- Từ năm 2009 đến nay: Đều đặn tổ chức 2 cuộc thi chó giống mỗi năm
Đến nay, phong trào bảo tồn và phát triển giống chó Phú Quốc đã trãi qua 09 năm và thu hút khá nhiều sự quan tâm của những người nuôi chó giống tại Việt Nam và trên Thế giới. Điều này thể hiện thông qua việc ngày càng nhiều Câu lạc bộ những người nuôi chó Phú Quốc được thành lập khắp cả nước, số lượng người mang chó tham gia công nhận giống và show càng ngày càng tăng. Sau đây là thống kê về tình hình phát triển chó Phú Quốc từ năm 2009 đến 2015 như sau:
THỐNG KÊ VỀ SỐ LƯỢNG CHÓ ĐƯỢC CÔNG NHẬN GIỐNG VÀ CÓ GIA PHẢ
|
||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
- Hiện trạng
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của phong trào thì hiện tại chúng ta cũng đang gặp phải những hạn chế và khó khăn trong việc định hướng chuẩn hoá giống chó Phú Quốc để đăng ký FCI công nhận, cụ thể như sau:
- Xác định hình dáng chuẩn con PQ: Do sự phát triển thiếu định hướng và tự phát cộng với việc nhận định sai về hình dáng chó Phú Quốc của người nuôi, để tạo ra được những con chó theo nhận định và thị hiếu riêng cho mình, những người nuôi đã bất chấp thực hiện việc lai tạo chó Phú Quốc với các giống chó khác (đặc biệt là chó xoáy Thái Lan) tạo ra những con chó được cho là hoàn hảo để tham gia các Show. Cũng do chuẩn hình dáng CPQ chưa xác định thống nhất nên những con chó được lai tạo ra đã đạt được những giải cao trong các Show và những con chó này lại được xem như là hình mẫu chó Phú Quốc chuẩn cho cộng đồng theo, việc này dẫn đến con Phú Quốc ngày nay có nhiều biến dạng về hình thể và đặc tính, đồng thời dẫn đến nguy cơ gia tăng về bệnh DSC vượt ngoài tầm kiểm soát.
- Kinh doanh chó PQ: Việc gia tăng lượng người nuôi CPQ kéo theo việc tìm kiếm thu mua ào ạt nguồn chó tại đảo Phú Quốc, dẫn đến tình trạng cạn kiệt nguồn gen chó Phú Quốc quý hiếm tại đảo và hiện nay để kiếm được con chó PQ tương đối chuẩn tại đảo rất là khó khăn. Để đáp ứng nhu cầu thị trường những người buôn bán và nuôi chó tại đảo cũng như đất liền không ngần ngại đưa chó từ đất liền lai tạp với giống chó khác (đặc biệt chó xoáy Thái) về đảo để mở trại nhân giống và buôn bán. Hiện tại đảo Phú Quốc trang trại nuôi chó PQ mở ra rất nhiều. Hầu hết các chủ trang trại đều thiếu kiến thức về chó Phú Quốc trong việc lựa chọn con giống và nhân giống. Với việc làm tự phát này đã làm cho giống chó Phú Quốc tại đảo vốn đã lai tạp giờ càng biến đổi nhiều hơn, đặc biệt là lai tạp chó xoáy Thái và gia tăng về bệnh DSC.
- Nhân giống chó PQ: Do việc xác định hình dáng CPQ chưa thống nhất nên những người mới chơi chưa tìm hiểu rõ về con Phú Quốc họ rất tin tưởng vào việc những con chó được công nhận giống bởi VKA. Với chính sách khích lệ phong trào phát triển chó Phú Quốc những năm vừa qua, VKA cũng đã mở rộng trong việc CNG. Vì vậy người nuôi trong những năm vừa qua chỉ tập trung vào CNG chó F0 để dễ dàng trong việc mua bán, việc phát triển nhân giống phát triển phả hệ chó hầu như không được chú trọng, hiện tại chỉ có 1 đàn chó F3.
Việc nhân giống chó hiện nay chỉ tập trung vào ngoại hình, hoàn toàn không chú trọng về đặc tính, thần thái, khả năng săn bắt của con Phú Quốc.
- Giám khảo chó bản địa: Việc thiếu GK chó bản địa sẽ ảnh hưởng đến phong trào, hạn chế tổ chức show và làm chậm hướng phát triển của các giống chó. Hiện tại VKA đã phát triển được 6 Giám khảo (GK) chính thức (2 GK chó bản địa; 3 GK giống chó Phú Quốc; 1 GK giống chó H’mông) và 5 GK thực tập (3 GK chó PQ, 2 GK chó H’mong). Tuy nhiên để đáp ứng được giai đoạn ban đầu về thiếu GK chó bản địa nên Quy định đào tạo GK thiên về đặc cách. Việc đào tạo, bồi dưỡng chưa được chú trọng và đạt chất lượng đáp ứng theo những yêu cầu cơ bản của FCI, vd: về thú y và giải phẩu học về hình thể của chó …
- Bảng tiêu chuẩn (BTC) Chó Phú Quốc: BTC chó PQ được ban hành năm 2009 là định hướng rất tốt về chuẩn con Phú Quốc cho người chơi. Tuy nhiên qua thời gian phát triển tính đến thời điểm hiện tại, những khiếm khuyết trong BTC đã bộc lộ và nó không còn phù hợp với hiện tại, cụ thể:
- Nội dung câu từ chưa chuẩn xác và rõ nghĩa, quá trừu tượng. Thiếu hình ảnh minh hoạ.
- Còn thiếu và chưa làm rõ được những điểm đặc trưng của chó PQ khác biệt với các giống chó xoáy khác.
Những hạn chế và khiếm khuyết nêu trên đã dẫn đến việc nhận định hình dáng sai về con CPQ của cộng đồng: Giám khảo và người chơi mỗi người đều nhìn nhận và chọn con chó Phú Quốc theo quan điểm cá nhân của mình và cho là con chó mình chọn là con chó đẹp nhất, chuẩn nhất theo BTC. Điều này dẫn đến hậu quả là hiện tại hình dáng chó Phú Quốc rất đa dạng: thân mình dày, mình mỏng; khung xương hình chữ nhật, hình vuông; lông dài, lông ngắn; size nhỏ, size trung, zize lớn; màu lông … Chúng ta có thể nhìn thấy rõ điều này qua những con chó thắng giải trong những Dog show những năm qua. Việc này làm nảy ra những mâu thuẫn và bùng nổ tranh cải giữa các Giám khảo, người chơi làm chia rẽ đoàn kết thống nhất, gây hoang mang mất định hướng và niềm tin cho người nuôi chó PQ.
- Sau đây là thống kê những đặc điểm hình dáng biến đổi của chó PQ trong những năm qua:
STT | Bộ phận | Tiêu chuẩn | Đặc điểm biến đổi hiện nay |
1 | NGOẠI HÌNH CHUNG | – Chúng có kích thước trung bình với khung xương nằm trong một hình vuông
.– Chiều cao tới vai : Chiều dài cơ thể là 1: 1 |
– Khung xương không nằm trong một khung vuông. Đa số chó thắng giải hiện nay khung xương nằm trong khung hình chữ nhật.- Chiều cao đến vai nhỏ hơn Chiều dài cơ thể. |
2 | ĐẦU | – Thon, dài vừa phải và cân đối. | – Đầu bạnh hình tam giác, to và quá nặng hoặc đầu quá dài và thiếu gò má. |
3 | VÙNG HỌP SỌ | – Điểm tiếp giáp giữa sống mũi và trán: hơi cong nhẹ. | – Điểm tiếp giáp giữa sống mũi và trán là đường thẳng hoặc quá cong (gấp khúc). |
4 | VÙNG MẶT | – Mõm: Hình chữ V, gốc mõm khá rộng. Sống mõm thuôn đều và hơi tròn. Mõm dài bằng nửa chiều dài toàn đầu.- Môi: Gọn gàng, khép chặt và có màu đen.- Răng: Đầy đủ, rất phát triển và chắc khoẻ. Các răng cửa cắn khít vào nhau hình cắt kéo.- Mắt: Có kích thước trung bình, hình hạnh nhân. Mắt có màu đen tới màu nâu tối. Mắt màu vàng hổ phách có thể được chấp nhận. Mi mắt và viền mắt phải có màu đen. Mắt không quá sâu hoặc quá lồi, không được nằm thấp và xệ quá.
– Tai: Nằm hai bên hộp sọ, dựng đứng như hình vỏ sò và hướng về phía trước. Tai to vừa phải, cân đối, không nhọn lắm, phía trong tai ít lông. |
– Mõm ngắn hoặc vuôngMôi xệ, có màu nhạt – Thiếu răng tiền hàm P1, P2, P3 – Mắt nhỏ, tròn. – Màu mắt: màu mắt không đồng nhất, phân rõ tròng mắt và con ngươi. – Mi mắt không nổi rõ, màu nhạt. – Mắt tròn nằm ngang không xếch – Tai quá dài và nhọn. Hai tai nằm trên hộp sọ, khoảng cách giữa hai tai quá sát, hai tai thẳng hướng vào nhau. |
5 | CỔ | – Dài và mềm mại, linh hoạt, khoẻ, nở rộng về phía vai giữ cho đầu ngẩng cao, hướng chếch lên so với xương sống. Da ở phía dưới cổ căng, không có diềm cổ. | – Cổ ngắn, to không linh hoạt. Da cổ dày không căng (thường gặp ở những con chó đầu thủ bạnh, to, nặng, lông dài). Hoặc cổ quá dài cộng với đầu thủ nhỏ nhìn mất cân đối. |
6 | THÂN MÌNH | – Lưng: Thẳng và chắc khoẻ.- Hông: Chắc khoẻ, rất phát triển. Nhìn nở nang, rắn chắc và thon thả.- Mông: Không dốc lắm.- Ngực: Ngực sâu, nhưng không quá rộng. Hình dáng lồng ngực không phẳng nhưng cũng không tròn. Chó trưởng thành có ngực sâu đến khuỷu chân trước. Xương sườn khỏe, các xương xếp sát vào nhau. | – Lưng không thẳng, bị cong hoặc võng. Lưng dày, to bản (lưng đôi).- Xương hông không nhô lên.- Mông thẳng không dốc.- Ngực quá sâu nhưng lồng ngực lại hẹp. Việc đánh giá xương sườn xếp sát vào nhau chưa được chú trọng. |
7 | ĐUÔI | – Ngắn, cong hình cánh cung, rất linh hoạt. Độ dài của đuôi không chạm tới kheo chân sau. Đuôi thẳng tự nhiên tiếp theo phần cuối của xương sống. Khi dựng lên thì chóp đuôi không cong tới sống lưng. Gốc đuôi tròn dày và thon dần về phía đầu của đuôi. | – Đuôi cứng, khô, lông sát, không linh hoạt (giống đuôi chó Thái).- Mông thẳng và gốc đuôi cong gắp lên ngay sau phần mông. Đuôi không thẳng tự nhiên tiếp theo phần cuối của xương sống kéo dài ra và cong lên. |
8 | HAI CHÂN TRƯỚC | – Vai: Nổi rõ và xiên.- Bàn chân: Khá dài, hình bầu dục, có đệm chân dày.- Móng chân: Màu đen. Với chó màu vàng, móng chân có thể có màu nâu và phù hợp với màu lông.- | – Vai không nổi rõ và xiên. Gốc xương bả vai quá rộng làm biến dạng dáng đứng và bước chạy.- Bàn chân tròn chụm nhô hình quả quýt, móng chân ngắn màu trắng.- Cẳng chân không mảnh khảnh, duyên dáng. Chân thịt hình trụ 1 khối, không phân rõ các bộ phận.- Cẳng chân trước quá dài. |
9 | HAI CHÂN SAU | – Khuỷu chân sau: Chắc khoẻ, góc gấp khúc vừa phải. | – Khuỷa chân sau thẳng.- Cẳng chân quá dài. |
10 | CHUYỂN ĐỘNG | – Bước chạy nhẹ nhàng, khoan thai nhưng vững chắc. Với tốc độ trung bình thì các bàn chân tạo thành hai đường thẳng song song trên mặt đất. Các chân không đá vào trong cũng như ra ngoài. Khi nhìn từ phía trước, hai chân trước và sau di chuyển lên xuống trên một đường thẳng, vì thế vai, khuỷu chân trước và khớp nối cổ chân phối hợp với nhau gần như trên một đường thẳng. Khi nhìn từ phía sau, khuỷu chân sau và khớp háng cũng phối hợp với nhau trên một đường thẳng. Cách chạy đó làm cho sải chân trông dài, khoan thai nhưng mạnh mẽ hơn. Sự vận động một cách toàn diện của con chó phải nhịp nhàng và cân bằng. Khi chạy nước kiệu, đầu chó phải luôn ngẩng cao, đuôi chó cũng vểnh cao trên lưng. | – Bước chạy nặng không khoan thai, vững chắc. – Khi chạy thân hình bị lắc, nhịp không vững chắc do khung xương không nằm trong khung vuông. – Không chạy được nước kiệu đặc trưng của CPQ do gốc xương vai quá rộng, vai không xiên. |
11 | DA | – Tương đối mỏng và căng, ôm sát vào các cơ bắp. Không có diềm cổ. | – Da dày không ôm sát vào cơ bắp, đặc biệt đối với những con chó lông hơi dài. – Da mỏng nhưng dưới da lại có lớp mở cộng với lông quá sát không phải đặc điểm của chó Phú Quốc. |
12 | LÔNG | –Lông ngắn và cứng, ôm sát vào thân mình. Chiều dài lông ngắn hơn 2cm. Loại lông nhung không được chấp nhận. | – Lông quá sát hoặc quá dài. Chất lông mềm. |
13 | BỜM LƯNG | – Bờm lưng là một dải lông mọc ngược dọc theo sống lưng. Màu của lông trên bờm lưng sậm hơn và nhìn nổi rõ trên lưng . Bờm lưng có hình dạng khác nhau, nhưng phải đối xứng qua xương sống và có độ rộng không vượt quá độ rộng của lưng. Chiều dài bờm lưng lớn hơn 1/2 chiều dài của lưng. Trên bờm lưng có các xoáy tròn nằm ở phía đầu của dải lông mọc ngược. Các xoáy tròn nằm ở các vùng khác trên bờm lưng vẫn được chấp nhận nếu đối xứng. |
– Bờm lưng một bệt, lông ngắn sát, màu lông không sậm và nổi rõ trên lưng.- Trên bờm lưng hoàn toàn không có các xoáy tròn ở đầu bờm hoặc trên thân bờm. |
14 | CHIỀU CAO | – Chó đực: chiều cao tính đến vai từ 50 đến 55 cm.- Chó cái: chiều cao tính đến vai từ 48 đến 52 cmChênh lệch cao hoặc thấp hơn tiêu chuẩn 2 cm có thể được chấp nhận. | – Chiều cao vượt khung quy định. |
- Kết luận và đề xuất
Với những yếu tố làm tác động biến đổi hình dạng chó Phú Quốc nêu trên, chúng ta cần có những biện pháp, hành động ngay để khắc phục vấn đề này. Việc thống nhất hình dáng chó Phú Quốc là một yêu cầu bắt buộc khi chúng ta chuẩn bị cho giai đoạn đăng ký FCI công nhận tạm thời giống chó Phú Quốc sắp tới. Để việc thực hiện này hiệu quả tôi đề xuất những việc sau:
Đối với việc đánh giá công nhận giống:
- Việc tổ chức show đánh giá công nhận giống chỉ được thực hiện ở cấp Quốc gia do VKA thực hiện (có thể kết hợp với các Dog Show của các Câu lạc bộ những người nuôi chó Phú Quốc khi được yêu cầu).
- Việc đánh giá công nhận giống 1 con chó Phú Quốc sẽ được 03 GK đánh giá. Kết quả đạt phải được sự đồng ý ít nhất từ 2 Giám khảo.
- Tạm ngưng đối với quy định chó Phú Quốc thế hệ F1 tham dự dog show và được ít nhất 1 GK đánh giá từ trung bình trở lên thì sẽ được cấp giấy gia phả chính thức trong Các quy định về các giống chó Việt Nam được VKA ban hành ngày 20 tháng 08 năm 2012. Chó Phú Quốc F1 muốn được cấp gia phả chính thức phải tham gia Show đánh giá công nhận và được đánh giá như quy trình đánh giá chó F0.
- Chó Phú Quốc F2 muốn được cấp gia phả chính thức phải tham gia Show đánh giá công nhận và được đánh giá như quy trình đánh giá chó F0.
- Giám khảo được mời đánh giá phải bám sát BTC hiện hành và lưu ý những đặc điểm biến đổi trong Báo cáo tình hình phát triển giống chó Phú Quốc từ năm 2009 đến năm 2015.
Đối với việc tổ chức Dog Show
- Giám khảo thực hiện chấm Show yêu cầu phải chấm những con chó đạt giải đúng theo tiêu chí của VKA quy định, tránh phạm những lỗi biến thể trong Báo cáo tình hình phát triển giống chó Phú Quốc từ năm 2009 đến năm 2015 nêu ra. Kết quả chấm của Giám khảo sẽ được thực hiện giám sát bởi BCH VKA.
- Khuyến khích việc mời Giám khảo nước ngoài chấm show chó Phú Quốc, đặc biệt là Giám khảo FCI để việc quảng bá hình ảnh cho chó Phú Quốc ra nước ngoài tốt hơn.
Đối với Bảng tiêu chuẩn (BTC) giống chó Phú Quốc:
- BCH VKA sẽ tiến hành lên kế hoạch, phân công và thực hiện rà soát, điều chỉnh lại BTC. Đảm bảo BTC sửa đổi phải cụ thể, rõ ràng, chính xác và theo mẫu quy định của FCI.
- Trong quá trình sửa đổi BTC thì BTC cũ vẫn còn hiệu lực.
Đối với việc đào tạo, phát triển Giám khảo bản địa:
- Để đảm bảo về số lượng Giám khảo cho việc đánh giá công nhận giống theo phương thức mới sắp tới, Ban chấp hành VKA ra Quyết định đặc cách cho các Giám khảo thực tập còn lại lên Giám khảo chính thức cho giống chó Phú Quốc.
- Các Giám khảo chính thức được đặc cách phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về Giám khảo của VKA, các yêu cầu của Trưởng nhóm phát triển các giống bản địa và chịu sự giám sát của Ban chấp hành VKA. Mọi sai phạm sẽ bị xử lý và có thể bị tước quyền Giám khảo.
- Ban chấp hành VKA rà soát lại Quy định về đào tạo Giám khảo hiện tại để sửa đổi cho phù hợp với quy định của FCI và hiện trạng Việt Nam.
- Mời các Giám khảo và chuyên gia FCI về mở lớp đào tạo, bồi dưỡng thêm kiến thức cho GK
Đề nghị Lãnh đạo VKA xem xét các vấn đề nêu trên.
Tp. Hồ Chí Minh, ngày 07 tháng 01 năm 2016
Người lập báo cáo
Trưởng nhóm phát triển các giống chó bản địa
Nguyễn Minh Khang