Lịch sử VKA

I. Khởi đầu của sự hình thành Hiệp hội những người nuôi chó giống Việt Nam (VKA)
Với mong muốn mở ra một lối đi để cứu vãn những giống chó quý hiếm của Việt Nam, đồng thời tạo dựng một sân chơi chuyên nghiệp cho những người nuôi chó, góp phần nâng cao phong trào nuôi chó giống của Việt Nam lên ngang tầm với các nước khác trên thế giới, để người Việt Nam có thể dắt những con chó do mình sở hữu, do mình nhân giống ra tham gia vào các cuộc thi trên thế giới…. một số anh em yêu thích nuôi chó đã khởi động việc vận động hình thành một Câu lạc bộ những người nuôi chó giống tại Việt nam.
Mọi sự khởi đầu luôn gặp khó khăn! Nhưng với sự hỗ trợ tích cực của ông Lê Quân – một doanh nhân, ông Dư Thanh Khiêm – một người Việt định cư tại Bỉ, cùng sự nỗ lực của rất nhiều các anh em khác trong nước, bộ hồ sơ xin vận động thành lập Hiệp hội những người nuôi chó giống tại Việt Nam đã được hoàn tất và đệ trình lên Bộ Nội vụ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vào đầu năm 2007. Trong bộ hồ sơ này, tên gọi của Hiệp hội được đề nghị như sau:
Tên tiếng Việt: Hiệp hội những người nuôi chó giống tại Việt Nam
Tên tiếng Anh: Vietnam Kennel Club– tên viết tắt làVKC
(tên tiếng Anh này được đặt theo tên gọi thông dụng của các Hiệp hội, câu lạc bộ về chó giống khác tại những nước có sử dụng phổ biến tiếng Anh trên thế giới)
Logo của Hiệp hội:

Sau gần 1 năm chờ đợi, những nỗ lực và cố gắng ban đầu của tất cả các anh em đã có được thành công ban đầu! Ngày 13 tháng 02 năm 2008, Bộ Nội vụ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ra quyết định số 105/QĐ-BNV phê chuẩn việc thành lập Hiệp hội những người nuôi chó giống Việt Nam (Hiệp hội). Trong quyết định này, tên gọi được phê chuẩn của Hiệp hội chỉ là tên gọi bằng tiếng Việt!

 

II. Những bước đi đầu tiên
Sau khi quyết định phê chuẩn việc thành lập Hiệp hội được ban hành, những thành viên ban đầu của Hiệp hội tưởng như đã vượt qua được những gian khó ban đầu và mong ngóng được bắt tay khởi động cho phong trào nuôi chó giống!
Tuy nhiên, một khó khăn mới lại đặt ra: Bản điều lệ hoạt động của Hiệp hội – được coi như một “kim chỉ nam” cho mọi hoạt động của Hiệp hội lại chưa được Bộ Nội vụ phê chuẩn.
Tuy nhiên, một số thành viên trong Hiệp hội đã chủ trương đẩy mạnh hoạt động ngay lập tức, mà khởi đầu là Lễ ra mắt Ban chấp hành lâm thời Hiệp hội những người nuôi chó giống Việt Nam vào ngày 2 tháng 4 năm 2008. Buổi lễ ra mắt ban chấp hành lâm thời này do ông Nguyễn Văn Lãng, Phó chủ tịch Hiệp hội chủ trì và có sự tham gia của ông Cao Minh Kim Qui, người được đề cử giữ vị trí Tổng thư ký Hiệp hội và ông Dư Thanh Khiêm. Cũng trong buổi lễ này, ông Dư Thanh Khiêm đã giới thiệu với những người yêu chó hai tập sách quý có tên “Les races de chiens” – cuốn sách được coi là “thánh kinh” của Liên đoàn những người nuôi chó giống quốc tế (FCI)
Tuy nhiên, sau sự kiện này, trong nội bộ Hiệp hội đã có những bất đồng và dẫn đến một số việc không hay về sau!
Do sự khác biệt về quan điểm trong việc định hướng hoạt động và xây dựng hiệp hội trong giai đoạn sơ khai, một số các thành viên trong Ban chấp hành lâm thời đã tạm thời rút lui, không tham gia vào các hoạt động của Hiệp hội được tổ chức trong giai đoạn nửa cuối năm 2008, một số thành viên khác thì ngược lại, đã tự động đứng ra tổ chức các hoạt động của Hiệp hội trong nửa cuối năm 2008.

 

III. Các hoạt động của Hiệp hội trong nửa cuối năm 2008
Sau lễ ra mắt Ban chấp hành lâm thời của Hiệp hội vào tháng 4 năm 2008, một số thành viên trong Ban chấp hành lâm thời, đứng đầu là ông Nguyễn Văn Lãng, đã tổ chức và thực hiện một số hoạt động chính sau:
– Tiếp nhận các thành viên đăng ký tham gia vào hiệp hội, thu phí thành viên;
– Mở trang tin điện tử http://vietkennelclub.com.vn
– Tham dự một số cuộc thi chó tại các nước ở châu Á với tư cách khách mời, gặp gỡ với một số quan chức của Liên đoàn chó giống châu Á với vai trò là người đại diện cho Hiệp hội những người nuôi chó giống Việt Nam (lúc này sử dụng tên viết tắt là VKC), cụ thể là ông Takemi Nagamura, chủ tịch JKC (Nhật), chủ tịch AKU, chủ tịch FCI khu vực châu Á-Thái Bình Dương và bà Jina William, chủ tịch SKC (Singapore) và phó chủ tịch AKU;
– Gửi bộ hồ sơ xin gia nhập FCI, thông qua Liên đoàn những người nuôi chó giống châu Á (AKU);
– Tổ chức cuộc thi chó đẹp vào hai ngày 27 và 28 tháng 12 năm 2008 tại Công viên văn hóa Đầm Sen.
Sự nỗ lực tổ chức các hoạt động này là một cố gắng rất lớn của những thành viên Ban chấp hành lâm thời này! Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, có một số điểm chưa hợp lý, dẫn tới bất đồng quan điểm giữa các thành viên trong Ban chấp hành lâm thời, cụ thể như sau:
– Việc gửi hồ sơ xin gia nhập FCI thông qua AKU không có sự bàn bạc kỹ lưỡng và thống nhất trong Ban chấp hành lâm thời. Đặc biệt trong hoàn cảnh lúc đó, ông Dư Thanh Khiêm là người đang được phân công phụ trách các vấn đề đối ngoại của Hiệp hội với FCI và các tổ chức liên quan;
– Việc gửi hồ sơ thông qua AKU này sẽ làm chậm quá trình gia nhập vào FCI của Hiệp hội. Cụ thể như trường hợp của Philippines, Hiệp hội nước này đã mất gần 5 năm gia nhập AKU, trước khi được FCI chấp nhận làm đối tác;
– Hiệp hội thu nhận thành viên, thu phí hội viên nhưng không có các quy định cụ thể, rõ ràng;
– Tên miền của trang thông tin điện tử http://vietkennelclub.com.vn rất giống với trang thông tin điện tử của Chi hội Quý khuyển TP.HCM là http://vietkennelclub.com . Chi hội Quý khuyển TP.HCM là một chi hội trực thuộc Hội Sinh vật cảnh Tp.HCM, không có liên quan với Hiệp hội những người nuôi chó giống Việt Nam;
– Cuộc thi chó được tổ chức trong hoàn cảnh chưa có các quy định, hướng dẫn làm nền tảng. Giống chó Phú Quốc của Việt Nam tham gia cuộc thi thời điểm đó không có bản tiêu chuẩn chính thức để làm cơ sở cho giám khảo đánh giá (giám khảo cũng không có các thông tin về giống chó này).
Vì những lý do đó, cuộc thi chó đầu tiên này đã không tạo được dấu ấn tốt đối với những người nuôi chó giống tại Thành phố Hồ Chí Minh, cũng như nhiều người ủng hộ phong trào nuôi chó giống trên toàn quốc.
Đặc biệt, những người nuôi chó Phú Quốc đã có đánh giá không tốt về hình ảnh và hoạt động của Hiệp hội sau khi xem công tác chuẩn bị và đánh giá của Giám khảo với phần thi chó Phú Quốc, cũng như những trả lời, phát biểu trên báo đài sau cuộc thi (cụ thể như việc dùng cụm từ Chó Phú Quốc Việt Nam – chó Phú Quốc Thái Lan khi nói về giống chó Phú Quốc…).

 

IV. Các hoạt động của Hiệp hội trong năm 2009
Ngày 19 tháng 01 năm 2009, Bản điều lệ hoạt động chính thức của Hiệp hội đã được Bộ Nội vụ phê chuẩn vào theo quyết định số 71/QĐ-BNV. Theo đó, tên gọi của Hiệp hội được điều chỉnh như sau:
Tên tiếng Việt: Hiệp hội những người nuôi chó giống tại Việt Nam – giữ nguyên
Tên tiếng Anh: Vietnam Kennel Association – tên viết tắt là VKA – được sử dụng làm từ viết tắt dưới đây, phân biệt với tên VKC cũ.
Logo của Hiệp hội cũng thay đổi phần tên gọi như sau:

Bộ Nội vụ cũng xác nhận chính thức hai cá nhân đại diện cho việc đăng ký của Hiệp hội là ông Lê Quân, giữ chức vụ Chủ tịch Hiệp hội, và ông Cao Minh Kim Qui, giữ chức vụ Tổng thư ký Hiệp hội.

Sau khi có quyết định phê chuẩn điều lệ hoạt động này, các thành viên trong Ban Chấp hành đã nhóm họp để bàn thảo về định hướng hoạt động của Hiệp hội. Tuy nhiên, trong quá trình này, ông Nguyễn Văn Lãng đã từ chối tham dự mọi hoạt động liên quan, với lý do “không thống nhất cách cơ cấu nhân sự trong Hiệp hội”, đồng thời, ông Lãng vẫn tiếp tục duy trì một Câu lạc bộ / Hiệp hội không chính thức. Hiệp hội này vẫn giữ tên tiếng Anh là Vietnam Kennel Club – viết tắt VKC. Tên tiếng Việt được đổi thành Hiệp hội nuôi chó giống – tuy nhiên sau đó tên gọi tiếng Việt này hầu như không được sử dụng.
Hiện tại, trang web của VKC vẫn đang được duy trì, và một số mục tin trên trang web của VKC vẫn sử dụng logo cũ (VKC) của Hiệp hội những người nuôi chó giống Việt Nam.
Sau khi ổn định bộ máy hoạt động, VKA đã từng bước tiến hành các hoạt động theo định hướng chuyên nghiệp và quy chuẩn.
Các hoạt động cụ thể của hiệp hội trong thời gian này gồm có:
– Công bố bộ máy nhân sự chủ chốt, các ban chuyên môn;
– Từng bước xây dựng hệ thống quy định, tiêu chuẩn, hướng dẫn để làm nền tảng cho hoạt động;
– Tổ chức lễ ra mắt chính thức Hiệp hội vào tháng 7 năm 2009 tại Tp.HCM;
– Thành lập ban soạn thảo tiêu chuẩn chó giống, tổ chức soạn thảo, lấy ý kiến và ban hành chính thức 2 bản tiêu chuẩn chó giống Phú Quốc và H’Mông cộc đuôi để làm cơ sở cho việc sàng lọc, bảo tồn, chọn lựa và nhân giống;
– Công nhận các bản tiêu chuẩn chó giống đã được tổ chức FCI công nhận;
– Ban hành các quy định về tổ chức thi chó, quy định về việc cấp chứng nhận cho chó giống;
– Bắt đầu tiến hành việc cấp và xác nhận khai sinh cho chó giống đủ điều kiện;
– Ra mắt trang tin điện tử chính thức tại địa chỉ: http://vka.vn (địa chỉ thay thế http://vka.com.vn )
– Tổ chức cuộc thi chó đẹp quốc gia năm 2009 tại Tp.HCM vào ngày 5 và 6 tháng 12 năm 2009;
– Chính thức cử ông Dư Thanh Khiêm giữ nhiệm vụ Cố vấn và Phụ trách đối ngoại của Hiệp hội, chịu trách nhiệm về việc trao đổi, chuẩn bị hồ sơ cho việc xin gia nhập làm thành viên FCI;
Mặc dù tất cả các hoạt động của Hiệp hội đều rất mới, còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Nhưng Hiệp hội đã nhận được sự đánh giá cao từ FCI thông qua việc định hướng hoạt động theo quy chuẩn.
FCI đã gửi danh mục các yêu cầu đối với Hiệp hội VKA, đồng thời cử một phái đoàn sang đánh giá, rà soát hồ sơ – cũng như tham quan và đánh giá công tác tổ chức, hoạt động và đánh giá cuộc thi chó đẹp tổ chức tại Việt Nam.
Đoàn đại biểu của FCI gồm có
Ông Takemi Nagamura – Trưởng đoàn. Ông Nagamura hiện đang giữ các chức vụ:
– Chủ tịch FCI khu vực châu Á – Thái Bình Dương (FCI Asian and Pacific Section),
– Chủ tịch Liên đoàn chó giống châu Á (AKU)
– Chủ tịch Hiệp hội chó giống Nhật Bản (JKC)
Cùng đi với ông Takemi Nagamura có:
Bà Jina Williams – Phó Chủ tịch AKU
Ông Izumi Awashima – Giám đốc điều hành JKC
Ông Yuji Ueda – Tổng thư ký JKC.
Lịch làm việc:
Ngày 4/12/2009: Làm việc tại trụ sở của VKA. Nội dung: Rà soát, đánh giá các hồ sơ cần thiết của VKA trong bộ hồ sơ đệ trình FCI để xin gia nhập làm thành viên.
Ngày 5-6/12/2009: Tham gia quan sát, đánh giá cuộc thi chó đẹp quốc gia 2009 do VKA tổ chức.
Cũng trong thời gian này, đoàn đại biểu của FCI, cụ thể là ông Takemi Nagamura và bà Jina Williams đã có cuộc gặp và làm việc với ông Nguyễn Văn Lãng. Tất cả nội dung làm việc và đánh giá này đã được viết lại trong một báo cáo dài 3 trang gửi đại hội đồng FCI.

 

V. Một số điểm chính trong báo cáo của đoàn đại biểu FCI
– Nhìn nhận VKA là một hiệp hội chính thức, được nhà nước Việt Nam công nhận là cơ quan quản lý hoạt động trong lĩnh vực nuôi chó giống tại Việt Nam;
– Các quy định do VKA đã đặt ra, và đang xây dựng, được dựa trên nền tảng các quy định của FCI;
– Nêu rõ: đoàn đại biểu đã gặp ông Nguyễn Văn Lãng vào tối ngày 5 tháng 12 năm 2009 để trao đổi về hoạt động của VKA và VKC. Nhận định của đoàn đại biểu như sau:
“VKC không phải là một tổ chức về chó giống được phép hoạt động ở cấp quốc gia, họ chỉ là một câu lạc bộ được cấp phép hoạt động ở cấp độ địa phương” – nguyên văn: “the VKC is not a canine organization which is authorized at the national level, but only a local club which is authorized at the Provincial (Long An) level.
– Nhận xét về cuộc thi chó (dog show) do của VKA tổ chức: Còn một số vấn đề liên quan tới quy định, hướng dẫn chưa rõ ràng, như quy định về danh hiệu “vô địch” ở cấp độ quốc gia.
– Một số vấn đề về hệ thống quản lý hoạt động chưa tốt (không nêu cụ thể).
– Dựa trên báo cáo này, biên bản phiên họp đại hội đồng FCI ngày 24-25 tháng 2 năm 2010 tại Madrid có nêu các ý kiến của ông Nagamura như sau:
+ VKA chưa hoàn tất việc lập sổ phả hệ (stud-book) và các mẫu chứng nhận nguồn gốc cho chó giống.
+ Rất lạc quan về việc VKA có thể hoàn tất những yêu cầu này để trở thành đối tác theo hợp đồng của FCI. Tuy nhiên, đề nghị chưa chấp nhận đơn xin gia nhập của VKA cho tới khi VKA hoàn tất và cung cấp đủ các hồ sơ cần thiết này.
+ Đã mời tham dự hội nghị FCI khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại Bangkok vào tháng 10/2010.
Như vậy, VKA đã bỏ lỡ cơ hội được đại hội đồng FCI chấp thuận đơn xin gia nhập ngay từ tháng 2/2010.
Sau khi nhận được phản hồi về các điểm còn thiếu sót nêu trên, VKA đã nhanh chóng hoàn tất và đệ trình các hồ sơ này tới văn phòng chính của FCI (tại Thuin, Bỉ) và văn phòng FCI châu Á-Thái Bình Dương (tại Tokyo, Nhật Bản).
Sau khi nhận được các hồ sơ này, đại hội đồng FCI họp tại Dortmund ngày 13 và 14 tháng 10 đã thông qua quyết định chấp thuận VKA là đối tác theo hợp đồng của FCI.

 

VI. FCI và thành viên FCI
FCI là một tổ chức quốc tế có trụ sở đặt tại Vương quốc Bỉ. FCI được thành lập vào năm 1911 và là một tổ chức quy tụ rất nhiều nước có phong trào nuôi chó giống phát triển rất mạnh mẽ như Đức, Pháp, Bỉ, Hà Lan, Nga, Nhật…. Tổ chức này hiện có 84 thành viên trên khắp thế giới (trong đó có 14 nước ở châu Á là thành viên), đồng thời có quan hệ công nhận chính thức lẫn nhau với cả 3 Hiệp hội chó giống của Anh (KC)– Mỹ (AKC) – Canada (CKC) là 3 nước có phong trào nuôi chó giống rất phát triển, nhưng không phải là thành viên của FCI.
FCI cũng đã có quan hệ với các liên đoàn cho các giống chó đặc thù, trong đó, nổi bật nhất là Liên đoàn các CLB nuôi chó giống GSD thế giới (WUSV).
Việc trở thành thành viên của FCI là một cơ hội rất tốt trong tiến trình hội nhập với phong trào nuôi chó giống trên thế giới.
VKA được chấp thuận tham gia FCI với tư cách “đối tác theo hợp đồng”, hay VKA là thành viên của FCI là một trong số những câu hỏi đã được đặt ra với VKA sau khi công bố thông tin trên.
Theo điều 3 – mục II – bản điều lệ của FCI, thành viên của FCI gồm có thành viên chính thức (full member), thành viên dự bị (associated member) và đối tác theo hợp đồng (contract partner):
a) Thành viên chính thức là những hiệp hội quốc gia về chó giống được FCI công nhận.
b) Thành viên dự bị là những hiệp hội quốc gia có ký kết các thỏa thuận đặc biệt về mối quan hệ của tổ chức đó với FCI.
c) Đối tác theo hợp đồng là những hiệp hội quốc gia có có thỏa thuận đặc biệt với FCI và đang trong thời gian thử thánh trước khi được đề nghị làm thành viên dự bị. Mối quan hệ giữa các tổ chức này với FCI được tuân theo bản điều lệ của FCI, các quy định chung của FCI và hợp đồng ký kết với FCI.
(dưới đây, 3 dạng thành viên trên được gọi chung là thành viên của FCI)
Nguyên văn :

” FCI Articles of Association
II. MEMBERSHIP
Art. 3The F.C.I. has full members, associated members and it recognizes contract partners.
a) The full members are the national canine organizations recognized by the F.C.I.
b) The associated members are those organizations who have signed a special agreement that specifies their relationships with the F.C.I.
c) The contract partners are those national organizations that came to a special agreement with the FCI and have to take a probation period before having the opportunity to apply for associated membership. Their relationships with the FCI are governed by the Articles of Association, the FCI General Rules and the contract they entered into.”

Theo hợp đồng ký kết giữa VKA và FCI, VKA và những người nuôi chó tại Việt Nam sẽ có nghĩa vụ và quyền lợi chính như sau:
+ Tuân thủ các quy định và điều lệ của FCI;
+ VKA có quyền cấp các chứng nhận nguồn gốc khi chủ chó (tại Việt Nam) có nhu cầu chuyển chó ra nước ngoài (international export pedigree – viết tắt EP). Các giấy chứng nhận này sẽ được công nhận trên toàn bộ các nước thành viên của FCI;
+ Các con chó có EP do VKA cấp được quyền tham gia các cuộc thi của FCI, được tham gia tranh danh hiệu vô địch thế giới – international champion;
+ VKA được sử dụng logo FCI và cụm từ “FCI contract partner” trong các văn bản, sự kiện do VKA tổ chức;
+ VKA phải tổ chức ít nhất 1 cuộc thi chó quốc tế (CACIB show) trong vòng 1 năm;
+ VKA được tham dự các phiên họp đại hội đồng FCI toàn cầu và khu vực, nhưng bị giới hạn không có quyền tham gia bỏ phiếu.
+ Hợp đồng có thời hạn trong 4 năm, trước khi được xem xét tiếp tục.
Với những nguyên nhân như trên, tuyên bố VKA là đối tác theo hợp đồng của FCI hay VKA là một thành viên của FCI là tương đương và hoàn toàn hợp lệ.
FCI cũng đã công bố chính thức trên trang tin điện tử của mình về việc kết nạp VKA làm thành viên, cũng như các thông tin về VKA trong mục “Thành viên – Members”. Các bạn có thể tham khảo tại địa chỉ http://fci.be

 

VII. Các vướng mắc liên quan giữa VKA và VKC
Trong thời kỳ mới thành lập, Hiệp hội sử dụng tên gọi tắt VKC, do đó, sau khi có yêu cầu đổi tên viết tắt từ VKC sang VKA theo yêu cầu của Bộ Nội vụ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và đã những mâu thuẫn gặp phải trong nội bộ của Hiệp hội như đã nêu trên.
Bên cạnh đó, vẫn có sự tồn tại đồng thời của một câu lạc bộ không chính thức có tên viết tắt là VKC mà không có sự giải thích kịp thời, rõ ràng, trong khi một số thành viên sáng lập của 2 tổ chức này đều đã có xuất hiện trong những sự kiện khởi đầu của Hiệp hội, nên đã làm nhiều người nuôi chó giống tại Việt Nam không hiểu rõ về hoạt động của VKA, thậm chí có tâm lý nghi ngờ về tính minh bạch trong hoạt động của VKA.
Để xảy ra việc này có một phần trách nhiệm của tập thể Ban chấp hành VKA – do đã không kịp thời giải thích, cung cấp thông tin một cách đầy đủ tới những người nuôi chó giống. VKA rất mong, và sẵn sàng nhận sự đối thoại của các cá nhân, tổ chức nào có những câu hỏi liên quan tới hoạt động và tư cách pháp nhân của VKA, cũng như các câu lạc bộ thành viên trực thuộc của VKA.

 

VIII. Các hoạt động của Hiệp hội trong năm 2010
Trong năm 2010, VKA tiếp tục từng bước xây dựng và phát triển các hoạt động của mình, trong đó, tập trung vào các lĩnh vực chính:
– Quy chuẩn lại tiêu chuẩn các câu lạc bộ thành viên thông qua việc ban hành quy định về việc thành lập và quản lý các câu lạc bộ chó giống thành viên trực thuộc VKA;
– Ban hành quy định về việc áp dụng chế độ ưu đãi trong việc xét đánh giá tiêu chuẩn và cấp chứng nhận cho những giống chó Việt Nam đã được công nhận, góp phần nhanh chóng xây dựng nền tảng cho việc theo dõi, bảo tồn và quản lý sự phát triển của các giống chó quý hiếm ở Việt Nam, mà trước mắt là hai giống chó Phú Quốc và H’Mông cộc đuôi;
– Tổ chức cuộc thi chó đẹp quốc gia năm 2010 tại Tp.HCM vào ngày 12 tháng 12 năm 2010.

 

IX. Một số vấn đề của VKA gặp phải trong năm 2010
1. Vấn đề về tổ chức các cuộc thi chó
Do hạn hẹp về ngân sách và nguồn lực, tính đến nay, VKA mới chỉ tổ chức được 1 cuộc thi chó đẹp quốc gia 2009, và dự kiến tổ chức cuộc thi chó đẹp quốc gia 2010 vào ngày 12 tháng 12 năm 2010. Tất cả các cuộc thi này đều được tổ chức tại Tp.HCM.
Như vậy, các hoạt động của VKA vẫn chưa được mở rộng và phát triển tới các vùng, miền khác trên toàn quốc, để góp phần phổ biến phong trào tới những người nuôi chó giống trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
2. Vấn đề phát sinh với các câu lạc bộ chó giống
Với quan điểm rõ ràng về việc các câu lạc bộ chó giống sẽ là những hạt nhân cơ sở để phát triển phong trào trên toàn quốc, VKA luôn sẵn sàng hỗ trợ và hỗ trợ các câu lạc bộ trong quá trình thành lập và hoạt động, cũng như đăng ký tham gia làm thành viên của VKA.
Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu hoạt động, VKA cũng đã gặp phải những vấn đề lớn trong việc quản lý các Câu lạc bộ, cụ thể là các vấn đề phát sinh với Câu lạc bộ chó chăn cừu Đức tại Việt Nam (gọi tắt là GSDV)
Tháng 8 năm 2009, sau khi ra mắt những người nuôi chó giống tại Việt Nam, VKA đã đặc cách tiếp nhận GSDV làm thành viên theo quyết định số 34/QĐ-CT ngày 12 tháng 08 năm 2009 của chủ tịch VKA, theo đó, công nhận GSDV là một câu lạc bộ chó giống trực thuộc VKA.
GSDV là một CLB được thành lập dựa trên nền tảng những người ưa thích giống chó chăn cừu Đức (còn gọi là chó béc-giê Đức / GSD) tại miền Bắc và miền Nam. Tại thời điểm GSDV tham gia làm CLB thành viên của VKA, VKA chưa ban hành quy định về việc thành lập, quản lý và hoạt động của các CLB trực thuộc.
Sau khi thành lập, GSDV đã tổ chức hai cuộc thi dành riêng cho chó GSD tại TP.HCM và Hà Nội vào tháng 1 năm 2010 và mời ông Erkki Laike (quốc tịch Phần Lan), hiện đang là Phó Chủ tịch WUSV làm Giám khảo.
Tuy nhiên, do hai cuộc thi này không được thực hiện theo đúng các quy định về các cuộc thi chó do VKA đã ban hành, cũng như không phù hợp với các quy định hiện hành của tổ chức FCI và WUSV. Mặt khác, câu lạc bộ đã sử dụng tên của VKA sai mục đích và không được sự đồng ý, với vai trò “đồng tổ chức” trong các cuộc thi này; nên VKA đã không công nhận kết quả đánh giá của hai cuộc thi này.
Trong năm 2010, GSDV đã có một số việc làm không phù hợp với quy định của VKA, cụ thể như sau:
– Tuyên bố (không chính thức trên diễn đàn của CLB) về việc GSDV là câu lạc bộ chủ quản trên toàn quốc của tất cả các Câu lạc bộ chuyên biệt cho giống chó GSD;
– Dùng tư cách là CLB chủ quản về giống chó GSD tại Việt Nam để trao đổi trực tiếp với tổ chức WUSV về việc đăng ký cho GSDV làm thành viên của tổ chức WUSV;
– Không thực hiện các yêu cầu của VKA đối với việc quản lý các CLB trực thuộc; và
– Mâu thuẫn nội bộ, dẫn tới các khiếu nại phát sinh từ Ban chấp hành câu lạc bộ. Các khiếu nại này đã được gửi tới VKA và gửi trực tiếp đến tổ chức WUSV.
Xét thấy, việc làm của câu lạc bộ GSDV là không có lợi đối với phong trào nuôi chó giống trong nước, đặc biệt với giống chó GSD, đồng thời làm xấu tới hình ảnh của phong trào nuôi chó giống tại Việt Nam trong mắt các bạn bè quốc tế, VKA đã ra quyết định không công nhận tư cách thành viên của câu lạc bộ GSDV và thu hồi tên gọi của câu lạc bộ này (quyết định số 05/2010/QĐ-CT – ngày 25 tháng 8 năm 2010).
Sau khi Ban chấp hành VKA thông qua quyết định này, những người nuôi GSD tại miền Nam đã chuẩn bị hồ sơ xin đăng ký thành lập một CLB mới về GSD theo các quy định hiện hành của VKA.
Tại miền bắc, một số thành viên của GSDV cũ vẫn tiếp tục sử dụng tên gọi này trong quá trình hoạt động, và hiện đang đổi tên và hoạt động dưới tên gọi “Hiệp hội chó béc-giê Việt Nam” và “Hiệp hội chó chăn cừu Đức của Việt Nam”, viết tắt là VSV.
Như đã trình bày tóm tắt ở trên, quá trình hình thành và phát triển VKA từ khi chính thức được thành lập tới nay, dù mới chỉ gần 3 năm, nhưng đã gặp phải rất nhiều khó khăn, cũng như đã đạt được một số thành công đáng kể.
Hướng tới mục tiêu chung là bảo tồn và phát triển các giống chó bản địa Việt Nam, đồng thời xây dựng và phát triển phong trào nuôi chó giống tại Việt Nam, VKA rất mong nhận được sự chia sẻ, đồng thuận của tất cả những người nuôi chó trên toàn quốc. VKA luôn mong được hợp tác với tất cả những người ưa thích phong trào nuôi chó giống, tất cả các câu lạc bộ chó giống để cùng phát triển, hướng tới một tầm cao mới!
Sự động viên, chia sẻ, ủng hộ, dù là rất nhỏ của các bạn luôn là nguồn động viên quý giá với toàn thể thành viên và Ban chấp hành VKA.

Ngày 22 tháng 11 năm 2010.