LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN NGÀNH GROOMING CỦA VKA

LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN NGÀNH GROOMING CỦA VKA

1. CÁC GIAI ĐOẠN VÀ CỘT MỐC QUAN TRỌNG

 

 1.1. Giai Đoạn Ban Đầu: Những Bước Chân Tiên Phong (2018 – 2019)

– Trước năm 2018, hoạt động Grooming ở Việt Nam gần như chưa được chú trọng và không có bất kỳ cuộc thi nào mang tính chuyên nghiệp. Các hoạt động grooming tại Việt Nam chủ yếu do các cá nhân tự tổ chức hoặc thực hiện trong phạm vi các cơ sở chăm sóc thú cưng mà chưa có sự kết nối rõ ràng với các quy chuẩn của quốc tế, đặc biệt là tiêu chuẩn từ Fédération Cynologique Internationale (FCI). Điều này đã tạo ra một khoảng cách lớn giữa chất lượng grooming trong nước và thế giới, đồng thời hạn chế sự phát triển chuyên nghiệp hóa của ngành này tại Việt Nam.

– Ngày 30/11/2018, Hiệp hội NNN Chó giống Việt Nam (VKA) lần đầu tiên cử đại diện tham gia cuộc họp của Ủy ban Grooming FCI (Fédération Cynologique Internationale) tại Đài Loan. Cuộc họp này không chỉ nhằm cập nhật về các kế hoạch phát triển grooming theo tiêu chuẩn FCI mà còn là cột mốc mở ra cơ hội cho việc phát triển lĩnh vực Grooming tại Việt Nam nói riêng và tất cả các Hiệp hội Quốc gia trực thuộc hệ thống FCI. Mặc dù đây chỉ là những bước đầu tiên nhưng việc có mặt tại cuộc họp FCI đã giúp đại diện VKA có được cái nhìn rõ ràng hơn về yêu cầu cũng như tiêu chuẩn quốc tế mà một cuộc thi grooming cần phải chuẩn bị.

– Ngày 13/12/2019, VKA tổ chức cuộc thi Grooming đầu tiên tại Sân vận động Phú Thọ, Quận 11, TP.HCM. Cuộc thi này đã thu hút sự tham gia của chưa đến 10 thí sinh, một con số khá khiêm tốn so với mong đợi. Số lượng thí sinh tham gia ít, phản ánh rằng grooming vẫn còn rất mới mẻ và chưa có sự phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam vào thời điểm này. Tuy nhiên, đây vẫn là một cột mốc quan trọng, vì lần đầu tiên Việt Nam có một cuộc thi Grooming chính thức dưới sự đánh giá của bà Pai Chia Tai, một chuyên gia grooming uy tín đến từ Đài Loan. Bà Pai Chia Tai đã được mời đến để đánh giá và đưa ra những nhận xét, góp ý cho các groomer Việt Nam. Mặc dù cuộc thi grooming năm 2019 có quá ít thí sinh tham gia, nó vẫn đem lại lợi ích quan trọng cho VKA, giúp tạo sự chú ý là khơi dậy phong trào trong cộng đồng yêu chó. Giúp gieo mầm các khái niệm sơ khai nhất về grooming trong tâm trí những người nuôi chó giống.

1.2. Đương Đầu Với Đại Dịch Covid (2020 – 2022)

– Năm 2020, mặc dù VKA đã tổ chức được một cuộc thi grooming nhưng việc thiếu các văn bản hướng dẫn rõ ràng khiến cho việc tổ chức và đánh giá grooming gặp nhiều khó khăn và thiếu đi sự đồng nhất. Nhận thấy sự cần thiết trong việc ban hành những quy định cụ thể, VKA đã tiến hành soạn thảo ban hành văn bản đầu tiên định hướng cho các hoạt động grooming trong nước với mong muốn chuẩn hóa ngành và tổ chức các cuộc thi chuyên nghiệp theo tiêu chuẩn FCI.

– Cuối năm 2022, đại dịch COVID-19 bùng phát đã gây ra nhiều khó khăn và thách thức cho hoạt động grooming của VKA, các quy định về giãn cách xã hội của chính phú đã làm ngưng trệ mọi kế hoạch tổ chức các cuộc thi của VKA không những đối với cuộc thi Dog Show mà còn những cuộc thi Grooming. Từ 2020 đến 2022, các hoạt động Grooming VKA tại Việt Nam bị đóng băng, VKA không thể tổ chức được bất kỳ cuộc thi grooming nào trong 3 năm này theo mặc dù đã ban hành những quy định cần thiết. Dù vậy VKA vẫn luôn cố gắng để những sự kết nối với các chuyên gia quốc tế vẫn được duy trì. VKA tiếp tục học hỏi và chuẩn bị cho những cuộc thi lớn trong tương lai.

1.3. Chuyển Mình Và Chinh Phục (2023)

– Năm 2023 sau khi vượt qua đại dịch COVID, các hoạt động của VKA dần được khôi phục. Tuy nhiên, VKA lại đối mặt với một thách thức mới khi hầu hết các nhân sự cũ đã không còn tiếp tục công tác, khiến cho ngành grooming bị bỏ ngỏ và không có người phụ trách. Trước tình hình khó khăn này, VKA đã cởi mở và tạo điều kiện cho những cá nhân tâm huyết, sẵn sàng cống hiến để phục hồi và phát triển hoạt động grooming. Trong bối cảnh đó, bà Nguyễn Lữ Anh Phương, một người thuộc thế hệ đầu tiên làm việc trong ngành grooming Việt Nam, đã mạnh dạn đứng ra xin đảm nhận việc tổ chức cuộc thi grooming FCI. Nhận thức được tầm quan trọng của việc đưa grooming Việt Nam hội nhập với tiêu chuẩn quốc tế, bà Phương đã nộp đơn lên VKA và được VKA chấp thuận, bắt đầu cho cuộc hành trình đem cuộc thi Grooming quốc tế theo tiêu chuẩn FCI về Việt Nam.

– Tháng 10 năm 2023, ông Chua MingKok – Chủ tịch Ủy ban Grooming của FCI –  đã có chuyến công tác đến Việt Nam theo lời mời VKA – Nắm bắt được thông tin này, bà Phương đã xin hẹn gặp ông Mingkok để trao đổi các vấn đề liên quan đến việc tổ chức cuộc thi FCI Grooming. Cuộc gặp gỡ diễn ra tại Hà Nội ngay sau Dog Show của Câu lạc bộ NNN Chó giống Đại Việt. Đây là cột mốc quan trọng trong hành trình phát triển ngành grooming tại Việt Nam, đánh dấu sự mở đầu cho việc tổ chức các sự kiện grooming quốc tế theo tiêu chuẩn FCI.

– Tại cuộc gặp này, bà Phương đã đại diện cho VKA trình bày về tiềm năng của phong trào grooming tại Việt Nam và mong muốn đưa ngành này hội nhập với các tiêu chuẩn quốc tế của FCI grooming. Đây là một quá trình đàm phán rất căng thẳng và không hề dễ dàng, bởi FCI có các quy định rất nghiêm ngặt về việc tổ chức các sự kiện grooming. Tuy nhiên, với sự kiên trì, hiểu biết sâu sắc về grooming cũng như khả năng truyền đạt thuyết phục, bà Phương đã thành công trong việc thuyết phục ông MingKok cho phép Việt Nam tổ chức cuộc thi Grooming FCI đầu tiên.

– Vào tháng 12 năm 2023, theo yêu cầu từ ông Chua MingKok, bà Nguyễn Lữ Anh Phương đã sang Singapore để học hỏi thêm về cách thức tổ chức các cuộc thi grooming theo tiêu chuẩn FCI. Chuyến đi này diễn ra hai tuần trước khi VKA tổ chức cuộc thi grooming FCI. Trong chuyến công tác tại Singapore, bà Phương đã được lãnh đạo FCI Grooming tạo điều kiện để quan sát và học hỏi trực tiếp từ các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực grooming. Bà đã được tiếp cận với các quy trình tổ chức, tiêu chuẩn đánh giá, và các yêu cầu nghiêm ngặt mà một cuộc thi grooming FCI cần tuân thủ. Đây là cơ hội quý giá để VKA nắm bắt các kiến thức chi tiết, từ cách lên kế hoạch, quản lý sự kiện, đến cách tạo điều kiện tốt nhất cho các thí sinh và ban giám khảo.

– Chuyến đi này không chỉ giúp đại diện VKA củng cố kiến thức về tổ chức sự kiện theo chuẩn quốc tế, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo thành công của cuộc thi grooming FCI đầu tiên tại Việt Nam. Bằng việc tham gia vào quá trình học hỏi này, bà Phương đã có thể mang những kinh nghiệm quý báu về để áp dụng vào việc tổ chức các cuộc thi grooming chuyên nghiệp tại Việt Nam, góp phần đưa ngành grooming Việt Nam hội nhập sâu hơn với thế giới. Chuyến đi tới Singapore vào tháng 12/2023 không chỉ là bước chuẩn bị kỹ lưỡng mà còn thể hiện sự cam kết của VKA trong việc phát triển cộng đồng grooming tại Việt Nam theo chuẩn mực quốc tế, đưa ngành grooming nước nhà lên một tầm cao mới.

1.4. Sự Phát Triển Ấn Tượng (2024)

– Kể từ sau khi được FCI đồng ý việc tổ chức các cuộc thi Grooming FCI tại Việt Nam, ngành grooming của Hiệp hội Những người Nuôi chó Giống Việt Nam đã phát triển một cách nhanh chóng và mạnh mẽ. Sự kiện này đã tạo đà cho một loạt các cuộc thi tiếp theo, không chỉ nâng cao chất lượng grooming trong nước mà còn mở rộng sự công nhận của Việt Nam trên trường quốc tế. Những cuộc thi này không chỉ thúc đẩy phong trào grooming tại Việt Nam mà còn góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm đến uy tín cho các sự kiện theo chuẩn FCI.

– Dưới đây là danh sách chi tiết các cuộc thi grooming FCI do Hiệp hội Những người Nuôi chó Giống Việt Nam (VKA) tổ chức:

### 1ST VKA International Grooming Competition & Certification

– Thời gian: Ngày 17 tháng 12 năm 2023

– Địa điểm: TP. Hồ Chí Minh

– Giám khảo: Ông Meng Ling Quan và bà Yan Wang từ Trung Quốc

– Số lượng thí sinh: 100 thí sinh

– Đặc điểm: Đây là cuộc thi grooming FCI đầu tiên tại Việt Nam, đánh dấu cột mốc quan trọng cho sự phát triển của ngành grooming trong nước. Sự kiện này để lại ấn tượng sâu sắc trong cộng đồng grooming quốc tế và trong nước.

### 2ND VKA International Grooming Competition & Certification

– Thời gian: Ngày 6 tháng 4 năm 2024

– Địa điểm: TP. Hải Phòng

– Giám khảo: Ông Kim JaeYong từ Hàn Quốc

– Số lượng thí sinh: 60 thí sinh

– Đặc điểm: Đây là lần đầu tiên một cuộc thi grooming FCI được tổ chức tại khu vực miền Bắc. Dù Hải Phòng có điều kiện giao thông không thuận lợi như Hà Nội, sự kiện vẫn thu hút đông đảo groomer từ các tỉnh thành phía Bắc.

### 3RD VKA International Grooming Competition & Certification

– Thời gian: Ngày 20 tháng 7 năm 2024

– Địa điểm: Đà Nẵng

– Giám khảo: Ông Minwoo Seol từ Hàn Quốc

– Số lượng thí sinh: 80 thí sinh

– Đặc điểm: Cuộc thi này đánh dấu lần đầu tiên VKA tổ chức một cuộc thi grooming theo chuẩn FCI tại miền Trung. Mặc dù đây là lần đầu tổ chức một sự kiện VKA tại Đà Nẵng, sự kiện vẫn nhận được sự quan tâm lớn và có sự tham gia đông đảo từ cộng đồng groomer toàn quốc.

### 4TH VKA International Grooming Competition & Certification (dự kiến)

– Thời gian: Ngày 13 tháng 12 năm 2024

– Địa điểm: TP. Hồ Chí Minh.

– Giám khảo: Ông Changhyun Lee từ Hàn Quốc và bà Micky Sung từ Đài Loan

– Số lượng thí sinh: dự kiến hơn 100 thí sinh

– Đặc điểm: Sự kiện dự kiến sẽ thu hút nhiều thí sinh và tiếp tục duy trì và nâng cấp thứ hạng của mình tiêu chuẩn FCI quốc tế, giúp nâng cao vị thế trong cộng đồng grooming toàn cầu.

 

2. NỖ LỰC CỦA VKA ĐỂ HOÀN THIỆN BAN GROOMING

 

2.1. Bổ Nhiệm Trưởng Ban Grooming:

– Vào năm 2024, với những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của ngành grooming, bà Nguyễn Lữ Anh Phương chính thức được bổ nhiệm làm Trưởng Ban Grooming của VKA. Quyết định bổ nhiệm được ký bởi Chủ tịch Hiệp hội NNN chó giống Việt Nam.

– Trưởng ban Grooming được giao nhiệm vụ định hướng và thúc đẩy các chiến lược phát triển cũng như kết nối với các tiêu chuẩn FCI toàn cầu dưới sự phê duyệt của Ban Chấp Hành VKA, góp phần nâng cao uy tín của VKA trước cộg đồng quốc tế. Bên cạnh đó, Trưởng ban Grooming còn đóng vai trò quan trọng trong việc trở thành đầu mối thông tin giữa của cộng đồng grooming tại Việt Nam, xây dựng mạng lưới grooming vững chắc và thu thập ý kiên thực tế phục vụ cho việc phát triển ngành Grooming của VKA.

2.2. Sự Ra Đời Của Các Câu Lạc Bộ Grooming Mới:

– Năm 2024 cũng ghi nhận sự ra đời của hàng loạt câu lạc bộ grooming trực thuộc VKA trên toàn quốc. Các câu lạc bộ này không chỉ là nơi giao lưu, học hỏi giữa các groomer mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển ngành grooming chuyên nghiệp theo chuẩn quốc tế tại Việt Nam.

– Những câu lạc bộ grooming hoạt động dưới sự quản lý của VKA đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cấp vị thế ngành Grooming Việt Nam. Thông qua các hoạt động thường xuyên như hội thảo, tập huấn và các cuộc thi quy mô nhỏ, các groomer có cơ hội luyện tập và cọ xát trước khi bước chân ra đấu trường quốc tế FCI.

2.3. Kết Nối với Các Cơ Sở Grooming Trực Thuộc VKA:

– Việc kết nối với các cơ sở đào tạo grooming trên toàn quốc mang lại cho VKA một môi trường phát triển bền vững dựa trên các mắc xích quan trọng, đó chính là các giảng viên của các cơ sở đào tạo. Trước khi có Grooming FCI tại Việt Nam, các thợ groomers cũng như các cơ sở đào tạo grooming rất bối rối trong việc định hướng lâu dài và chuyên sâu trong ngành này.

– Tại Việt Nam đã từng xuất hiện một số các hiệp hội grooming đi kèm những tiêu chí khác nhau khiến công đồng groomer trở nên nhiễu loạn thông tin khiến việc việc hướng nghiệp trở nên khó khăn. Thông qua việc kết nối với các cơ sở đào tạo grooming toàn quốc, VKA đã có một kênh thông tin hiệu quả để phổ biến và tuyên truyền về các tiêu chuẩn của FCI.  Đồng thời việc mở cửa kết nối đã đem lại cho VKA một nguồn dữ liệu quan trọng để kịp thời nắm bắt nhu cầu phát triển trong ngành grooming đúng với thực tế.

2.4. Hoàn Thiện Các Quy Chế Grooming:

Với mục tiêu nâng cao tính minh bạch và công bằng, VKA đã từng bước cập nhật và hoàn thiện quy chế liên quan đến grooming trong năm 2024, mang lại nhiều lợi ích quan trọng:

– Tạo môi trường công bằng: Các quy chế giúp đảm bảo sự minh bạch, công bằng trong việc tổ chức các cuộc thi và hoạt động grooming, tạo điều kiện cho tất cả groomer có cơ hội phát triển.

– Nâng cao tính chuyên nghiệp: Quy chế mới giúp tiêu chuẩn hóa quy trình, kỹ thuật và yêu cầu grooming, giúp các groomer nắm vững những quy định và tiêu chuẩn quốc tế.

– Cung cấp hướng dẫn rõ ràng: Các quy định cung cấp hướng dẫn cụ thể về kỹ thuật grooming, cách thức tổ chức và tiêu chí đánh giá, giúp groomer phát triển kỹ năng theo đúng chuẩn.

– Hội nhập quốc tế: Hoàn thiện quy chế giúp VKA tổ chức các sự kiện grooming đạt tiêu chuẩn FCI, nâng cao uy tín của VKA trên trường quốc tế và thúc đẩy hội nhập ngành grooming Việt Nam.

 

3. CÁC GIÁ TRỊ DO GROOMING VKA MANG LẠI

 

3.1. Góp Phần Phát Triển Các Cuộc Thi Dog Show:

– Sự phát triển mạnh mẽ của ngành grooming đã tạo nên một làn sóng mới đầy cảm hứng trong các cuộc thi Dog Show. Ngày càng nhiều groomer nhận ra giá trị của việc chăm sóc và giữ gìn vẻ đẹp thuần chủng cho những chú chó của mình. Việc các groomer phải đầu tư vào những chú chó giống đạt chuẩn để tham gia các cuộc thi grooming đã góp phần nâng cao chất lượng chung của giống chó trong nước.

– Những chú chó mẫu ở các cuộc thi grooming FCI ngày càng được chọn lọc kĩ lưỡng không những chỉ đẹp ở ngoại hình mà còn đạt tiêu chuẩn cao về độ thuần chủng, sẵn sàng bước vào sàn đấu Dog Show với sự tự tin và kiêu hãnh. Chính vì vậy, các cuộc thi Dog Show giờ đây đã tràn ngập những chú chó tuyệt vời do chính các groomer đầy tâm huyết đưa đi thi. Điều này không chỉ làm tăng tính cạnh tranh, mà còn khẳng định chất lượng chó và sự chuyên nghiệp của groomer ngày càng được nâng cao. Mỗi lần bước lên sàn đấu Dog Show, những chú chó ấy mang theo niềm tự hào của groomer và khán giả về một tương lai tươi sáng cho cộng đồng yêu chó giống tại Việt Nam.

– Việc nâng cao tay nghề thông qua các cuộc thi FCI grooming không chỉ giúp các groomer Việt Nam phát triển kỹ năng chuyên môn mà còn mang lại lợi ích lớn cho thị trường *Dog Show* trong nước. Khi các groomer Việt Nam ngày càng chuyên nghiệp và đạt chuẩn quốc tế, họ trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao, đủ khả năng chăm sóc và làm đẹp cho những chú chó tham gia Dog Show mà không cần phụ thuộc vào groomer nước ngoài.

– Trước đây, các chủ chó phải thuê các groomer quốc tế đến Việt Nam để chuẩn bị cho những cuộc thi dog show. Nhờ sự phát triển của ngành grooming trong nước, các thí sinh giờ đây có thể tự tin sử dụng dịch vụ từ các groomer Việt Nam, không chỉ tiết kiệm chi phí mà còn góp phần thúc đẩy ngành grooming và Dog Show phát triển mạnh mẽ hơn tại Việt Nam. Điều này giúp tránh được việc chảy dòng tiền ra nước ngoài, mang lại nguồn kinh tế hiệu quả cho các hoạt động liên quan tới dog show tại Việt Nam

3.2. Tác Động Tích Cực Đến Nền Kinh Tế Việt Nam:

Grooming Việt Nam nói chung và grooming của VKA nói chung đã có một hành trình đầy cảm xúc từ những bước đi nhỏ ban đầu đến những cuộc thi lớn mang tầm quốc tế và thu hút các thí sinh đến từ các nước trên thế giới. Với sự dẫn dắt của VKA, cộng đồng Grooming Việt Nam đã không ngừng phát triển, gắn kết và mở ra những cánh cửa mới cho tương lai. Ngành Grooming đang mang lại những giá trị quan trọng cho nền kinh tế Việt Nam, bao gồm:

  1. Tạo công ăn việc làm: Grooming đã mở ra nhiều cơ hội việc làm mới cho các groomer, chủ salon thú cưng và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chăm sóc thú cưng. Ngành này cũng tạo điều kiện cho nhiều cá nhân theo đuổi đam mê với thú cưng, từ đó nâng cao thu nhập và cải thiện chất lượng cuộc sống.
  2. Phát triển ngành dịch vụ: Grooming là một phần quan trọng trong ngành dịch vụ thú cưng, giúp nâng cao chất lượng dịch vụ và thúc đẩy nhu cầu chăm sóc chó mèo. Điều này góp phần vào sự tăng trưởng của ngành bán lẻ các sản phẩm dành cho thú cưng, như thức ăn, mỹ phẩm, và dụng cụ chăm sóc.
  3. Giảm phụ thuộc vào nhân lực nước ngoài: Nhờ sự phát triển của các groomer Việt Nam qua các cuộc thi quốc tế như FCI grooming, Việt Nam đã có được đội ngũ groomer chất lượng cao. Điều này giúp giảm việc thuê nhân lực nước ngoài và giữ lại dòng tiền trong nước.
  4. Thúc đẩy du lịch và thương mại quốc tế: Các cuộc thi grooming và Dog Show mang tầm quốc tế tổ chức tại Việt Nam thu hút sự tham gia của thí sinh và khách tham quan từ nhiều quốc gia. Điều này không chỉ thúc đẩy du lịch mà còn tạo cơ hội giao lưu thương mại, quảng bá hình ảnh đất nước và ngành công nghiệp thú cưng Việt Nam ra quốc tế.
  5. Tăng giá trị thú cưng: Grooming giúp nâng cao chất lượng và ngoại hình của những chú chó mèo, khiến chúng trở nên có giá trị hơn. Điều này dẫn đến việc tăng giá trị thương mại của thú cưng, đặc biệt là các giống chó mèo thuần chủng, đóng góp vào sự phát triển của ngành nuôi và kinh doanh thú cưng.

 

Nhờ vào những giá trị này, ngành grooming không chỉ tạo ra lợi ích trực tiếp cho những người làm việc trong ngành mà còn góp phần thúc đẩy các lĩnh vực liên quan và tạo động lực phát triển cho nền kinh tế Việt Nam.

kimquy
nhtruong969@gmail.com