14 Th8 CHƯƠNG TRÌNH VỀ QUẢN LÝ VÀ ĐÀO TẠO NGƯỜI TRỢ GIÚP TRONG PHẦN THI BẢO VỆ IGP 08 | 2024
CHƯƠNG TRÌNH VỀ QUẢN LÝ VÀ ĐÀO TẠO NGƯỜI TRỢ GIÚP TRONG PHẦN THI BẢO VỆ IGP
A. CHƯƠNG TRÌNH QUẢN LÝ
I. Điều kiện tiên quyết để được tuyển dụng làm người hỗ trợ cho phần thi bảo vệ tại các cuộc thi chó làm việc FCI-IGP
- Người tham gia công việc trợ giúp phần thi bảo vệ phải được công nhận/cấp phép bởi các tổ chức có thẩm quyền(chứng chỉ/sổ ghi thành tích,vv).
- Người trợ giúp phải tuân thủ các quy định theo hướng dẫn luật thi chó nghiệp vụ IGP của Ủy ban chó nghiệp vụ FCI ban hành.
- Người trợ giúp (HL) trong phần thi bảo vệ “C” là người hỗ trợ trực tiếp cho việc đánh giá của giám khảo vào ngày diễn ra cuộc thi.
- Vì lý do đảm bảo an toàn cho bản thân, người hỗ trợ, dù đang trong quá trình tập luyện hay trong một ngày diễn ra cuộc thi hoặc các cuộc thi nhất định, phải mặc quần áo bảo hộ (quần bảo hộ, áo khoác bảo hộ, tay cắn, giày và nếu cần là găng tay).
- Giày của người hỗ trợ (HL) phải chống chịu được thời tiết và phù hợp với điều kiện bề mặt sân diễn ra cuộc thi để đảm bảo độ bám tốt.
- Trước khi thực hiện hỗ trợ trong phần thi bảo vệ “C”, người hỗ trợ (HL) nhận được hướng dẫn từ giám khảo (LR). Công việc theo đúng hướng dẫn của giám khảo phải được tuân thủ tuyệt đối.
- Người trợ giúp (HL) phải tuân theo hướng dẫn của người dự thi (HF) trong quá trình tước vũ khí/tìm kiếm người trợ giúp theo quy định của cuộc thi. Người trợ giúp phải tạo cơ hội cho người dự thi(HF) đặt chó của mình ở mọi vị trí chính xác để thực hiện bài áp tải sau và áp tải ngang.
- Số lượng người trợ giúp trong một cuộc thi sẽ được áp dụng theo quy định của từng quốc gia, tổ chức.
Theo quy định của Hiệp hội những người nuôi chó giống Việt Nam-VKA, tất cả những người trợ giúp trong một cuộc thi phải có chứng chỉ/giấy phép. Một cuộc thi chó làm việc phải có tối thiểu 02 người trợ giúp cho phần bảo vệ nếu cuộc thi có từ 05 chó tham gia thi IGP.
Đối với các cuộc thi ở cấp độ quốc gia, chẳng hạn như các cuộc thi cạnh tranh, cuộc thi tuyển chọn, v.v., nói chung, phải đảm bảo có 2 người trợ giúp (HL) và 1 hoặc 2 người trợ giúp phụ(nếu có).
Đối với tất cả các cuộc thi, một người trợ giúp (HL) sống cùng hộ gia đình với một trong những người dự thi (HF) có thể tham gia.
II. Quy định về công việc của người trợ giúp
- Tổng quan
Trong một cuộc thi, giám khảo là người đánh giá trình độ huấn luyện, đặc biệt là chất lượng của con chó được thể hiện bởi sự ham muốn bản năng, mức độ chiến đấu với áp lực, sự tự tin và sự vâng lời. Giám khảo (LR) có thể đánh giá khách quan những gì cảm nhận được bằng thị giác và thính giác trong suốt quá trình diễn ra của bài thi.
Điều quan trọng và đặc biệt lưu ý là người trợ giúp phải đảm bảo và duy trì tính chất thể thao, sự công bằng của cuộc thi (nghĩa là người trợ giúp phải thực hiện công việc của mình đồng nhất trên tất cả các con chó dự thi) và đảm bảo rằng người trợ giúp cung cấp cho giám khảo(LR) một bức tranh toàn cảnh công bằng để đưa ra những đánh giá chuẩn xác nhất.
Do đó, không thể để người trợ giúp (HL) quyết định cách thức hoạt động của phần thi bảo vệ “C”. Hơn nữa, người trợ giúp phải luôn tuân thủ theo toàn bộ các chỉ dẫn của giám khảo.
Giám khảo (LR) phải kiểm tra xem các yếu tố riêng lẻ của tiêu chí đánh giá quan trọng nhất đối với phần thi “C” có được đáp ứng hay không. Ví dụ, đó là mức độ căng thẳng, sự tự tin, sự ham muốn, sự vâng lời. Ngoài ra, điều quan trọng là phải đánh giá đúng chất lượng vết cắn của con chó được thể hiện. Để giá khảo đánh giá đúng về vết cắn, người trợ giúp phải tạo cho con chó cơ hội “cắn chắc và đầy hàm” và khi kiểm tra mức độ căng thẳng và sự chiến đấu với áp lực, người trợ giúp phải có khả năng tạo áp lực thích hợp lên con chó. Người trợ giúp phải cố gắng đạt được mức độ công việc trợ giúp đồng đều nhất để đáp ứng được các yêu cầu của đánh giá.
- Mô tả về bài tập
2.1 Bài tập 1: “Sủa và canh giữ”
Tư thế (vị trí) của người trợ giúp đứng trong lều – không được để chó và người dự thi nhìn thấy – trong suốt qúa trình diễn ra bài tập sủa, người trợ giúp phải đứng với tư thế vững chắc, tay cắn hơi nghiêngvà không được có bất kì hành vi đe dọa trong chỗ ẩn nấp đã được chỉ định. Người trợ giúp có thể nhìn con chó để kiểm soát tình huống, không được tạo áp lực.
Tay cắn luôn được để ở góc nghiêng phía trước cơ thể người trợ giúp, tư thế này có tác dụng bảo vệ cơ thể, tạo khoảng cách để giám khảo có thể đưa ra đánh giá về mức độ của bài tập.
Khi thực hiện bài tập canh giữ và sủa, chó phải đặt mọi sự tập trung vào người trợ giúp, bất kỳ sự trợ giúp nào từ phía người trợ giúp đều không được phép. Gậy mềm luôn được giữ ở bên hông người trợ giúp, tránh làm ảnh hưởng gây tác động đến trạng thái làm việc của chó.
2.2 Bài tập 2: “Ngăn chặn sự trốn chạy của người trợ giúp”
Sau bài tập giữ và sủa, người dự thi ra tín hiệu/gọi người trợ giúp ra khỏi chỗ ẩn nấp, người trợ giúp phải nghe theo hiệu lệnh và ra khỏi nơi ẩn nấp với tốc độ bình thường và chủ động đến vị trí được chỉ định theo hướng dẫn của giám khảo (vị trí được đánh dấu). Vị trí của người trợ giúp phải đảm bảo rằng người dự thi có thể đặt con chó của mình nằm xuống cách xa 5 bước chân ở phía có tay cắn của người trợ giúp.
Dưới sự chỉ đạo của giám khảo, người trợ giúp sẽ bắt đầu chạy với tốc độ nhanh và quyết đoán theo đường thẳng, không chạy một cách mất kiểm soát hoặc thái quá. Tay cắn được giữ đúng vị trí để tạo được cơ hội cho con chó có được vết cắn tốt nhất có thể.
Người trợ giúp không được quay mặt về phía con chó trong suốt qúa trình chạy nhưng có thể giữ con chó trong tầm nhìn của mình. Người trợ giúp phải kiềm chế không đưa tay cắn về phía chó để đón. Sau khi con chó đã cắn được, người trợ giúp tiếp tục chạy theo hướng thẳng và trong khi chạy, đảm bảo tay cắn luôn ở một vị trí cố định ngang hông.
Giám khảo (LR) sẽ ấn định người trợ giúp cần phải chạy bao xa. Dưới sự chỉ đạo của giám khảo (LR), người trợ giúp kết thúc cuộc chạy trốn. Khi công việc của người trợ giúp được thực hiện, điều này sẽ cung cấp cho giám khảo cơ hội tối ưu nhất để đánh giá chuẩn xác nhất về công việc của chó. Bất kỳ sự trợ giúp nào quá mức như: chủ động đón chó, kích động bằng lời nói hoặc đập gậy mềm vào quần trước hoặc trong khi chạy, vị trí tay cắn giữ lỏng lẻo, giảm tốc độ chạy trốn, tự ý dừng cuộc chạy trốn , v.v., đều không được phép.
Vị trí kết thúc bài tập – xem mục 2.6 (có hiệu lực đối với tất cả các bài tập)
2.3 Bài tập 3: “chống trả lại cuộc tấn công/giai đoạn gây áp lực”
Sau bài tập thứ 2, người trợ giúp thực hiện một cuộc tấn công vào con chó theo tín hiệu của giám khảo(LR). Gậy mềm được sử dụng theo chuyển động đe dọa phía trên tay cắn mà không đánh vào cơ thể con chó. Đồng thời, con chó phải đưa ra một vết cắn đầy và xiết chặt. Sau đó, người trợ giúp bắt đầu chuyển động hướng trực diện vào cơ thể con chó để tạo áp lực cho cuộc tấn công. Khi bắt đầu, lưỡi của tay cắn phải ở vị trí tốt nhất để con chó có cơ hội cắn trúng, vết cắn ổn định và chính xác.
Sau khi con chó đã cắn được tay cắn, nó sẽ bước vào giai đoạn gây áp lực, người trợ giúp sẽ tiến thẳng vào con chó và định hướng đường tấn công theo sự chỉ định của giám khảo. Không được phép quay/xoay tròn khi bắt đầu tấn công trong bài tập này. Người hỗ trợ phải thực hiện hướng tấn công cùng một hướng với tất cả các con chó. Điều quan trọng người trợ giúp phải làm sao để giám khảo (LR) có cơ hội thuận lợi nhất cho việc quan sát và đánh giá hành vi của con chó trong cuộc tấn công/giai đoạn gây áp lực: sự ổn định của vết cắn, nhả và canh gác. Người trợ giúp không được phép đưa con chó đến quá gần người dự thi.
Các bài kiểm tra áp lực (đánh bằng gậy mềm) phải được đánh ở vai và ở vùng vai. Các cú đánh bằng gậy phải được thực hiện với cùng cường độ cho tất cả các con chó. Bài kiểm tra đánh bằng gậy lần thứ nhất được thực hiện sau khoảng 4 – 5 bước, bài kiểm tra đánh bằng gậy thứ hai sau 4 – 5 bước tiếp theo trong giai đoạn gây áp lực. Sau bài kiểm tra đánh bằng gậy thứ hai, áp lực bổ sung được thể hiện mà không cần đánh bằng gậy.
Thời gian của giai đoạn gây áp lực do giám khảo (LR) xác định. Theo chỉ đạo của giám khảo (LR), người hỗ trợ kết thúc giai đoạn gây áp lực.
Khi công việc của người trợ giúp được thực hiện, nó phải cung cấp cho giám khảo (LR) cơ hội để đánh giá toàn bộ công việc, sức chiến đấu và tính khí của con chó. Bất kỳ sự hỗ trợ nào do người trợ giúp: kích động bằng lời nói, hoặc đập gậy mềm vào quần trước hoặc trong khi chạy trốn, tư thế tay cắn được giữ lỏng lẻo, cường độ không nhất quán và khi đánh gậy, người trợ giúp tự ý kết thúc công việc, v.v., đều không được phép.
Vị trí kết thúc bài tập – xem mục 2.6 (có hiệu lực đối với tất cả các bài tập)
2.4 Bài tập 4 “áp tải từ phía sau’
( dành cho FCI-IGP 2 + FCI-IGP 3)
Dưới sự chỉ đạo của người dự thi, người trợ giúp bắt đầu bài tập áp tải từ phía sau trên khoảng cách khoảng 30 bước với tốc độ bình thường. Giám khảo sẽ quyết định lộ trình. Người trợ giúp không được có bất kỳ động thái đột ngột nào trong suốt lộ trình. Gậy mềm và tay cắn phải được mang theo sao cho không gây kích thích đến con chó. Gậy mềm phải được giữ bên hông hoặc phía trước. Người trợ giúp phải di chuyển với cùng tốc độ đi bộ bình thường đối với mọi con chó.
- Áp tải phía sau với FCI-IGP 2
Theo tín hiệu của giám khảo (LR), sau lộ trình 30 bước, người trợ giúp dừng lại. Người dự thi cùng với chó đến chỗ người trợ giúp và cầm lấy gậy mềm. Con chó phải ngồi ở tư thế ngồi cơ bản. Sau đó, một cuộc áp tải ngang đến giám khảo (LR) sẽ diễn ra.
- Áp tải sau với FCI-IGP 3
Theo lệnh của giám khảo (LR), sau lộ trình 30 bước, người trợ giúp phải thực hiện một cuộc tấn.
Người hỗ trợ thực hiện cuộc tấn công bằng cách di chuyển tay cắn sang trái hoặc phải một cách linh hoạt và cuộc tấn công được đặt trong trạng thái chủ động, giữ nhịp điệu và cường độ đe dọa con chó. Gậy mềm phải được giữ phía trên tay cắn và vung theo chuyển động đe dọa. Con chó phải bị chặn (bắt) bằng vị trí linh hoạt của tay cắn, người trợ giúp phải bắt được vết cắn một cách an toàn nhưng không được dừng lại.
Khi chặn (bắt) con chó, người trợ giúp nên – nếu có thể – quay lại để bắt được đà của con chó và di chuyển lập tức theo chuyển động cơ thể của nó. Cần tránh các động tác dư thừa.
Sau khi con chó đã cắn được, người hỗ trợ bắt đầu thực hiện giai đoạn áp lực ngay lập tức. Người hỗ trợ phải đặt hướng di chuyển tất cả các con chó theo cùng một hướng. Điều quan trọng là giám khảo phải chọn vị trí phù hợp để quan sát và đánh giá hành vi của chó trong giai đoạn gây áp lực: hành vi của vết cắn, nhả và canh gác. Người hỗ trợ không được đưa con chó đến quá gần người dự thi.
Khi công việc của người trợ giúp được thực hiện, điều này sẽ cung cấp cho giám khảo (LR) cơ hội để đánh giá về công việc, động lực và tính khí của con chó. Bất kỳ sự hỗ trợ nào do người trợ giúp, kích động bằng lời nói, hoặc đập gậy mềm vào quần trước hoặc trong khi chạy trốn, tư thế ống tay cắn được giữ lỏng lẻo, cường độ không nhất quán và khi đánn gậy, người trợ giúp tự ý kết thúc công việc, v.v., đều không được phép.
Vị trí kết thúc bài tập – xem mục 2.6 (có hiệu lực đối với tất cả các bài tập)
2.5 Bài tập 5: cắn xa/thử thách sự can đảm
Khoảng cách quy định: FCI-IGP-1: 30 mét, FCI-IGP-2: 40 mét, FCI-IGP-3: 50 mét
Trong FCI-IGP-1 và FCI-IGP-2, người hỗ trợ vẫn ở vị trí đã kết thúc “bài tập 3”. Người dự thi được hướng dẫn di chuyển đến vạch chỉ định cho bài tập này.
Trong FCI-IGP-3, dưới sự chỉ đạo của giám khảo(LR), người hỗ trợ rời khỏi vị trí được chỉ định (thường là lều thứ 6) và di chuyển với tốc độ chạy đến đường trung tâm mà không dừng lại và bằng lời nói và cử chỉ đe dọa, tấn công con chó bằng một đòn tấn công trực diện với sự đe dọa bằng gậy mềm.
Con chó phải bắt được người hỗ trợ trong khi người hỗ trợ không dừng lại và đưa ra vị trí tay cắn phù hợp. Khi bắt con chó, cơ thể nên – nếu có thể – quay lại để bắt con chó và phân tán lực, duy trì đà văng. Người hỗ trợ không được chạy vòng quanh (bước sang một bên) con chó theo bất kỳ cách nào.
Sau khi chó đã cắn được, người hỗ trợ đưa con chó vào giai đoạn gây áp lực. Người hỗ trợ phải đặt hướng di chuyển tất cả các con chó theo cùng một hướng. Điều quan trọng là giám khảo phải chọn vị trí phù hợp để quan sát và đánh giá hành vi của chó trong giai đoạn tấn công, giai đoạn gây áp lực, hành vi của vết cắn, nhả và canh gác. Người trợ giúp không được đưa con chó đến quá gần người dự thi.
Thời gian của giai đoạn gây áp lực được xác định bởi giám khảo (LR). Theo chỉ đạo của giám khảo (LR), người hỗ trợ kết thúc giai đoạn gây áp lực. Khi công việc của người trợ giúp được thực hiện, nó cung cấp cho giám khảo (LR) cơ hội để đánh giá hiệu công việc, động lực và tính khí của con chó. Bất kỳ sự hỗ trợ (giúp đỡ) nào do người trợ giúp, kích động bằng lời nói, hoặc đập gậy mềm vào quần trước hoặc trong khi chạy trốn, tư thế tay cắn được giữ lỏng lẻo, cường độ không nhất quán, người trợ giúp tự ý kết thúc công việc, v.v., đều không được phép.
Vị trí kết thúc bài tập – xem mục 2.6 (có hiệu lực đối với tất cả các bài tập)
2.6 “Vị trí kết thúc bài tập”
Vị trí đứng để kết thúc phần tạo áp lực lên chó phải là vị trí mà giám khảo (LR) có cơ hội quan sát được vết cắn, công việc nhả và sự canh giữ của con chó (không quay lưng lại với giám khảo (LR). Sau khi dừng lại, người trợ giúp cần phải đứng yên, phải giảm thiểu sự giằng co đối với con chó, phải giảm kích thích bằng cách không di chuyển tay cắn. Tay cắn không được kéo lên quá cao mà tốt nhất phải giữ nguyên ở vị trí mà người hỗ trợ đã giữ trong thời gian thực hiện bài kiểm tra áp lực áp lực trước đó. Gậy mềm được giữ ở hông và bên ngoài tầm nhìn của chó.
Người trợ giúp không được có bất kì hỗ trợ nào cho con chó trong công việc nhả. Sau khi nhả, người trợ giúp phải duy trì giao tiếp bằng mắt với con chó, theo đó không được phép kích thích thêm hoặc hỗ trợ dưới bất kỳ hình thức nào. Để duy trì giao tiếp bằng mắt với con chó, người trợ giúp được phép nhìn theo con chó trong trường hợp con chó di chuyển trong khi canh giữ, nhưng không được có bất kỳ chuyển động đột ngột nào.
2.7 “Sự bất an và thất bại của chó”
Sự bất an, mất bình tĩnh của chó được thể hiện thông qua tình trạng vết cắn của chó, vị trí canh giữ người trợ giúp.
Một con chó không có vết cắn đầy, xiết chặt hoặc thay đổi vị trí vết cắn (nhay/nhằn), giảm độ xiết trong giai đoạn gây áp lực, người trợ giúp phải tiếp tục di chuyển(tiếp tục gây áp lực) cho đến khi giám khảo (LR) ra tín hiệu chấm dứt bài tập. Trong những trường hợp như vậy, người trợ giúp không được trợ giúp chó hoặc tự ý dừng bài tập.
Những con chó không chủ động nhả, người trợ giúp không được sử dụng gậy mềm để tác động hoặc thay đổi vị trí cố định tay cắn để con chó có cơ hội nhả. Người trợ giúp không được giúp đỡ/kích thích con chó trong trường hợp những con chó có xu hướng né tránh người trợ giúp trong giai đoạn canh giữ.
Trong toàn bộ hoặc một phần của bất kỳ bài tập nào, người trợ giúp phải thể hiện mình là người chủ động hoặc trung lập và luôn tuân theo các quy tắc được đặt ta dành cho người trợ giúp. Nếu con chó có va chạm hoặc cắn lại lên tay cắn trong giai đoạn canh giữ, người trợ giúp phải giữ nguyên vị trí và phải tránh thực hiện bất kỳ động tác gây kích thích, phòng vệ nào.
B. CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO
- Giới thiệu về chương trình
Chương trình quản lý và đào tạo người trợ giúp/Vietnam helper school là chương trình được xây dựng từ năm 2017 bởi CLB Những người Việt Nam huấn luyện chó làm, chủ nhiệm chương trình là ông Mai Đức Huy. Chương trình được hợp tác cùng Hội đồng quản lý chó làm việc quốc gia Đức nhằm xây dựng và phát triển môn thể thao chó FCI-IGP theo hướng chuyên nghiệp.
Chương trình cũng nhận được tư vấn và định hướng từ các thành viên của Uỷ ban quản lý chó làm việc của Liên đoàn FCI về việc xây dựng đội ngũ người trợ giúp đáp ứng đúng chuyên môn để phục vụ các Cuộc thi cũng như chủ động trong việc đào tạo IGP tại Việt Nam.
- Mục đích
Nâng cao kỹ thuật, sự đồng đều trong các chương trình huấn luyện, tất cả các cuộc thi.
Người tham gia nhận thức được tầm quan trọng, trách nghiệm, nghĩa vụ của công việc là người trợ giúp (helper) cho kì thi và trong các chương trình huấn luyện.
Người tham gia sau khi tham gia chương trình có kiến thức về kỹ thuật đào tạo, hiểu rõ về luật cũng như yêu cầu của giá khảo.
Đánh giá, xác định chất lượng kỹ thuật của helper, phân loại những người xuất sắc và những người có thể làm việc tốt nhất cho các cuộc thi.
Thông qua chương trình đào tạo, các kỳ sát hạch để đánh giá và cấp chứng chỉ/xếp hạng cấp độ cho người trợ giúp, Ban quản lý chó làm việc có cơ sở để phát triển đội ngũ người trợ giúp phục vụ các kì thi nhằm đảm bảo chất lượng.
- Yêu cầu đối với người tham gia:
Trên 18 tuổi và không quá 40 tuổi.
Người tham gia phải là thành viên của Hiệp hội những người nuôi chó giống Việt Nam hoặc thành viên thuộc các CLB thành viên của Hiệp hội những người nuôi chó giống Việt Nam, tối thiểu 03 năm.
Người tham gia tối thiểu phải có ít nhất 03 năm kinh nghiệm về đào tạo chó thể thao IGP tại cấp CLB.
Người tham gia phải được xác nhận có tham gia tối thiểu 1 hội thảo về luật FCI-IGP, 1 hội thảo/chương trình tập luyện về chương trình đào tạo bảo vệ.
– Người tham gia phải tự đánh giá bản thân, nếu chưa đủ năng lực, sức khoẻ cũng không nên tham gia phần thực hành làm việc trong lần đánh giá đầu tiên
- Cấp chứng chỉ
Chứng chỉ người trợ giúp phần thi bảo vệ được phê duyệt và cấp bởi Hiệp hội những người nuôi chó giống Việt Nam-VKA. Ban quản lý chó làm việc có trách nhiệm quản lý, giám sát.
Việc cấp chứng chỉ cho người trợ giúp được chia làm 2 phần: lý thuyết và thực hành.
Người được cấp chứng chỉ phải tham gia ít nhất 3 lần đào tạo với 3 giảng viên khác nhau có thẩm quyền về việc đào tạo và đánh giá kỹ thuật.
Người trợ giúp sau khi được cấp chứng chỉ có thể bắt đầu tham gia công việc đào tạo tại CLB và các kỳ sát hạch/tuyển chọn người trợ giúp cho các cuộc thi.
- Phần lý thuyết:
Người tham gia phải vượt qua phần thi lý thuyết bao gồm nội dung về luật FCI-IGP của phần thi bảo vệ và các quy tắc về quy định công việc của người trợ giúp (phần II) và sự hiểu biết chính xác về các quy tắc trong IGP 1, 2 và 3 (phần bảo vệ)
Người tham gia hiểu rõ về chức năng, cách thức sử dụng của các thiết bị trong phần thi bảo vệ.
Các câu hỏi cho bài kiểm tra này sẽ được soạn theo luật IGP từ Liên đoàn FCI và được tư vấn, kiểm duyệt bởi giảng viên có thẩm quyền về việc đào tạo người trợ giúp.
Người tham gia phải vượt qua bài kiểm tra lý thuyết dành cho người trợ giúp, nếu đạt sẽ được tiếp tục chuyển sang kiểm tra phần thực hành.
- Phần thực hành:
Người tham gia phải tham gia tối thiểu 3 lần đánh giá kỹ thuật của người trợ giúp trên thực tế làm việc và được đánh đánh giá tổng thể tối thiểu ở mức là RẤT TỐT (SG)
Các mức đánh giá: xuất sắc (V), rất tốt (SG), tốt (G), đạt (VH), không đạt (NG)
Cho các lần đánh giá thực tế làm việc, người tham gia phải làm việc với tối thiểu với 01 con chó để cho thấy mức độ kỹ năng. Số lượng chó đã làm việc và các quy tắc được kiểm tra sẽ theo quyết định của giảng viên.
Sau khi hoàn thành 3 lần đánh giá thực tế, người tham gia phải hoàn thành một bài kiểm tra lý thuyết về các quy tắc và phương thức thực hành.
- Xếp hạng
Khi đã hoàn thành chương trình đào tạo, người trợ giúp sẽ phải tham gia các kỳ sát hạch hàng năm do Ban quản lý tổ chức hoặc kết hợp cùng các CLB thành viên khi có sự kiện diễn ra nhằm đánh giá trình độ cũng như xếp hạng. Đây là yêu cầu tiên quyết để có thể tham gia làm người trợ giúp của cuộc thi. Người được tham gia là người trợ giúp tại cuộc thi phải đạt tối thiểu cấp độ B.
Xếp hạng cấp độ của người trợ giúp được chia ra 4 loại.
- Cấp độ A: được đánh giá Xuất Sắc “V” tại kỳ sát hạch, Người trợ giúp được chọn tối thiểu 5 lần là người trợ giúp của cuộc thi và được đánh giá công việc từ Rất Tốt “SG” đến Xuất Sắc “V”. Giá trị vĩnh viễn.
- Cấp độ B: được đánh giá Rất Tốt “SG” tại kỳ sát hạch, Người trợ giúp được chọn tối thiểu 3 lần là người trợ giúp của cuộc thi và được đánh giá công việc từ Rất Tốt “SG” đến Xuất Sắc “V”. Giá trị 5 năm.
- Cấp độ C: đủ điều kiện được cấp chứng chỉ là người trợ giúp và có đánh giá từ Tốt “G” trở xuống tại các kỳ sát hạch.
- Cấp độ D: đủ điều kiện được cấp chứng chỉ là người trợ giúp.